Dương Nhật Lễ còn có tên khác là Trần Nhật Kiên, ông ở ngôi từ tháng 7/1369-12/1370. Do chỉ đặt niên hiệu Đại Định nên ông thường được gọi là Đại Định Đế. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, ông là con của kép hát Dương Khương và Vương mẫu. Khi mẹ đang mang thai ông thì bị ép phải lấy Trần Nguyên Dục – anh vua Trần Dụ Tông. Về sau do Trần Dụ Tông không có con nên nhận Dương Nhật Lễ làm con nuôi và truyền ngôi cho.
Ông cai trị hơn một năm, được cho là bỏ bê triều chính, lại định đổi sang họ Dương nên bị hoàng tộc chống đối, đưa đến 2 cuộc đảo chính do các tôn thất nhà Trần lãnh đạo. Đầu tiên, tháng 9 âm lịch năm 1370, Thái tể Cung Tĩnh Vương Trần Nguyên Trác làm binh biến, nhưng bị Nhật Lễ đánh bại và giết chết. Hai tể tướng tôn thất còn lại là Thái sư Cung Định vương Trần Phủ, Hữu Tướng quốc Cung Tuyên vương Trần Kính chạy ra Đà Giang, tập họp lực lượng đảo chính lần hai. Dương Nhật Lễ bị truất ngôi và bắt giam, sau bị đánh chết. Giống như trường hợp vua Thiên Hưng nhà Lê sơ (Lê Nghi Dân), Dương Nhật Lễ tuy đã có thời gian làm quốc chủ, nhưng không được các bộ chính sử Đại Việt thời Trần–Hồ–Lê (trong đó bộ sách sớm nhất còn sót lại là Đại Việt sử ký toàn thư) công nhận là vua chính thống của nhà Trần.