Khi nhắc tới nhân vật lịch sử Hồ Quý Ly, chúng ta dễ hình dung tới hình tượng vị vua của cải cách, người đã ban hành nhiều thay đổi sâu rộng hòng cố gắng cứu đất nước trước họa xâm lăng phương Bắc. Ông và người con trai Hồ Nguyên Trừng có rất nhiều thành tựu lớn về kỹ thuật như đắp thành nhà Hồ ở Thanh Hóa, đúc súng thần cơ, cải cách y tế, giáo dục…. Nhưng có một thành tựu mà ngày nay nhiều người ca ngợi và lấy đó làm tự hào, coi ông là “nhà cách mạng lỗi lạc với tầm nhìn viễn siêu đi trước thời đại nhiều thế kỷ”, đó là khi ông phát hành tiền giấy vào năm 1396 thay thế tiền kim loại được lưu hành trong nước.
Dựa theo Đại Việt Sử ký Toàn thư, thì cải cách phát hành tiền giấy “Thông Bảo Hội Sao” của Hồ Quý Ly diễn ra vào năm 1396 như sau:
…tờ 10 đồng vẽ rồng, tờ 30 đồng vẽ sóng, tờ 1 tiền vẽ mây, tờ 2 tiền vẽ rùa, tờ 3 tiền vẽ lân, tờ 5 tiền vẽ phượng, tờ 1 quan vẽ rồng…..Cấm tuyệt tiền đồng, không được chứa lén, tiêu vụng, tất cả thu hết về kho Ngao Trì ở kinh thành và trị sở các xứ…. Khi tiền giấy đã in xong, hạ lệnh cho dân được đem tiền thực đổi lấy tiền giấy: cứ một quan tiền thực chất đổi lấy tiền giấy một quan hai tiền."
Nhưng, kết quả mang lại là sự phản đối mạnh mẽ của người dân trong nước, nạn làm tiền giả tràn lan, dân chúng mất niềm tin vào nhà Hồ.
Vấn đề nghiêm trọng nhất là người dân không hề tin vào GIÁ TRỊ của tờ tiền “Thông Bảo Hội Sao”. Vàng, bạc, đồng là kim loại quý hiếm, hữu hạn, được công nhận rộng rãi, nên dù có đem chôn dưới đất cả chục năm thì vẫn có giá trị, và không phải lúc nào muốn cũng có thể đúc tiền mới. Hay như tiền giấy ngày nay có vàng làm cơ chế đảm bảo, cùng với niềm tin vào chính phủ và các cơ chế kiểm soát việc in tiền, nên người dân có niềm tin vào đồng tiền. Còn tiền “Thông Bảo Hội Sao” của nhà Hồ thì không hề có cơ chế tương tự, không có một ai đảm bảo triều đình sẽ không in tiền hàng loạt, cũng như việc kiểm soát việc làm giả là rất khó khăn ở thế kỷ 14. Chưa kể, Hồ Quý Ly lại ra lệnh 1 quan tiền đồng đổi 1 quan 2 tiền giấy, dù đặt trường hợp triều đình “trung thực” không in dư tiền, thì tương đương với việc bơm một lượng 20% tiền dư vào nền kinh tế, dễ dàng gây nên tình trạng lạm phát và rối loạn trong giao thương.