Trong những năm ở nước Mỹ và nước Pháp, Người dành nhiều thời gian tìm hiểu về các cuộc cách mạng nổi tiếng thế giới là cách mạng Mỹ (1776) với bản “Tuyên ngôn Độc lập” và cách mạng tư sản Pháp (1789) bản “Tuyên ngôn Nhân quyền và dân quyền”. Người rất khâm phục tinh thần cách mạng ở những nước này, nhưng không thể đi theo con đường của họ được. Bởi vì, như Người đã nói: “Kách mệnh Mỹ cũng như kách mệnh Pháp là kách mệnh tư bản, kách mệnh không đến nơi, tiếng là cộng hòa và dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước đoạt công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa”. Bằng nhãn quan chính trị sắc sảo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vượt trên hẳn tư duy tìm đường cứu nước của các nhà cách mạng tiền bối. Người đã kiên quyết không lựa chọn con đường cách mạng tư sản, bởi theo Người, đó là những cuộc cách mạng “không đến nơi”, không triệt để vì nó không hề đề cập đến vấn đề giải phóng mọi tầng lớp nhân dân lao động khỏi sự áp bức, bóc lột, bất công.
Phương thức để đạt được mục đích cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh so với các nhà cách mạng tiền bối và đương thời cũng có sự khác biệt và độc đáo. Cụ Phan Chu Trinh sang nước Pháp nhờ cậy vào Hội nhân quyền của Pháp. Cụ Phan Bội Châu sang Nhật Bản mưu cầu vào lòng “hằng tâm hằng sản” của nhiều người trợ giúp. Nhưng Người ra đi tìm đường cứu nước bằng chính bàn tay lao động và trí tuệ của mình; thông qua con đường “vô sản hóa” đi đến nhiều nước, Người vừa tích cực học tập, nghiên cứu, vừa tìm cách đấu tranh với những kẻ xâm lược đất nước mình ở ngay chính quốc. Tháng 6 năm 1919, khi các nước đế quốc thắng trận trong Chiến tranh thế giới thứ nhất họp Hội nghị ở Véc-xây (Versailles) nước Pháp để mục đích phân chia lại thế giới, Người đã chớp lấy cơ hội đó để cùng với một số nhà yêu nước khác tại Pháp, gửi tới Hội nghị bản Yêu sách của nhân dân An Nam gồm 8 tám điểm, tố cáo chính sách của thực dân Pháp và đòi chính phủ Pháp phải thực hiện các quyền tự do, dân chủ và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam. Sự kiện trên đã gây tiếng vang lớn trong thế giới thuộc địa. Bản Yêu sách phản ánh nguyện vọng chính đáng của nhân dân Việt Nam nhưng không được chấp nhận, Nguyễn Ái Quốc càng nhận rõ bản chất của chủ nghĩa đế quốc với những lời tuyên bố về quyền tự do của các dân tộc chỉ là trò lừa bịp; và Người đã rút ra bài học vô cùng giá trị là: Sự nghiệp giải phóng dân tộc mình chủ yếu phải do dân tộc mình quyết định, phải trông cậy vào lực lượng của chính mình, chứ không phải dựa chủ yếu vào bên ngoài… Qua sự kiện đó càng khẳng định sự nhạy cảm về chính trị, tính chủ động, khôn khéo, sắc bén trong đấu tranh cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vượt lên trên tầm nhìn của các nhà chí sĩ yêu nước đương thời; đồng thời, đánh dấu sự tiếp cận gần hơn chủ nghĩa Mác - Lênin của Người.
Trong bóng tối dày đặc của chủ nghĩa thực dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp được ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin. Tháng 7 nǎm 1920 qua báo Nhân đạo (L'Humanité) Pháp, Người được đọc bản “Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa” của V.I. Lênin. Bản Luận cương của V.I. Lênin như luồng ánh sáng mặt trời chiếu rọi vào trí tuệ và tâm hồn của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, đem đến cho Người một nhãn quan chính trị mới. Nguyên Cố Tổng bí thư Trường Chinh đã khẳng định: “Luận cương về những vấn đề dân tộc và thuộc địa đến với Người như một ánh sáng kỳ diệu nâng cao về chất tất cả những hiểu biết và tình cảm cách mạng mà Người hằng nung nấu”.