Lê Lai là một tướng lĩnh tham gia Khởi nghĩa Lam Sơn, ông được coi là một anh hùng, một tấm gương trung nghĩa với sự kiện nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam là cải trang thành Lê Lợi và bị quân Minh giết chết.
Theo sách Lam Sơn thực lục viết:
Khi ấy quân ta chỉ mới được nhỏ, mà thế giặc đương mạnh, Nhà vua bèn vời các tướng mà bảo rằng:
- Ai có thể thay thân khoác hoàng bào, lĩnh năm trăm quân, hai thớt voi, đánh vào thành Tây Đô? Thấy giặc ra đối địch, thì tự xưng tên: "Ta là chủ Lam Sơn đây!". Để cho giặc bắt? Cho trẫm được náu mình, nghỉ binh, thu họp cả quân sĩ, để mưu tính việc về sau!
Các tướng đều không dám nhận lời.
Chỉ có Lê Lai thưa rằng:
- Thần bằng lòng xin thay mặc áo nhà vua. Ngày sau Bệ Hạ gây nên đế nghiệp, có được thiên hạ, thương đến thần tử, cho con cháu muôn đời được chịu ơn nước. Đó là điều thần mong mỏi!
Đế lạy Trời mà khấn rằng:
- Lê Lai có công thay đổi áo. Sau này trẫm cùng con cháu, các tướng tá, hay con cháu các công thần, nếu không thương đến công ấy, thì xin đền đài hóa ra rừng núi; ấn vàng hóa ra đồng sắt; gươm thần hóa ra đao binh!
Nhà vua khấn xong, Lê Lai liền đem quân đến cửa trại giặc khiêu chiến. Giặc cậy quân mạnh xông đánh. Lê Lai cưỡi ngựa, phi vào giữa trận giặc, nói rằng:
- Ta đây là chủ Lam Sơn!
Giặc bèn xúm lại vây, bắt lấy đem về trong thành, xử bằng hình phạt cực ác, ra hẳn ngoài những tội thường làm.
Lê Thái Tổ mất ngày 22 tháng 8 âm lịch, năm 1433, trước khi mất có dặn lại đời sau phải làm giỗ Lê Lai trước một ngày, tức là ngày 21 tháng 8. Từ đó dân gian truyền lại câu: Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi.