Mạc Thái Tổ (22 tháng 12, 1483 – 11 tháng 9, 1541) tên húy là Mạc Đăng Dung, là nhà chính trị, hoàng đế sáng lập ra triều Mạc trong lịch sử Việt Nam. Ông đóng vai trò quan trọng trong các sự kiện đánh dẹp các thế lực cát cứ, chống đối triều đình, loại bỏ ảnh hưởng của những người ủng hộ nhà Lê, thành lập nhà Mạc và chống lại những lực lượng trung thành với nhà Lê ở Thanh Hóa.
Mạc Đăng Dung bước vào đường quan lộ sau khi thi đậu Võ trạng nguyên trong cuộc thi tuyển võ sĩ tại Giảng Võ đường ở Thăng Long dưới triều Lê Uy Mục, rồi được sung quân Túc vệ vác lọng theo hầu vua. Trong khoảng 20 năm, từ một võ quan cấp thấp dưới thời Lê Uy Mục, nhờ tài thao lược và mưu trí, Đăng Dung đã lần lượt được phong chức Đô Chỉ huy sứ vệ Thiên Vũ (hàm chính tam phẩm) ở tuổi 25, rồi tước bá (Vũ Xuyên bá), hầu (Vũ Xuyên hầu), công (Minh quận công rồi Nhân quốc công), vương (An Hưng vương) thời Lê Cung Hoàng. Và trong khoảng thời gian chưa đầy 30 năm, Đăng Dung đã trở thành vua. Với vai trò là người lập ra triều Mạc, ông lần lượt làm vua, thái thượng hoàng, cũng như quyền nhiếp chính khi con trai cả kế ngôi của ông là Mạc Thái Tông (Mạc Đăng Doanh) đột ngột qua đời. Xuất thân hàn vi, lập thân bằng đường binh nghiệp, Đăng Dung là người có công đầu trong việc tạo lập lại thế ổn định của xã hội cũng như chính trường Đại Việt sau hơn 20 năm hỗn loạn đầu thế kỷ XVI.
Những sử thần của nhà Lê trung hưng hay nhà Lê–Trịnh (cũng là những người đã biên soạn bộ Đại Việt sử ký toàn thư bản bổ sung ở thế kỷ 17) luôn đánh giá tiêu cực triều Mạc (đặc biệt là với người sáng lập ra triều đại này), bao gồm cả học giả danh tiếng Lê Quý Đôn. Tuy nhiên do ít nhiều vẫn phải tôn trọng tính khách quan trong việc chép sử chuyên nghiệp nên những sử thần của nhà Lê–Trịnh đã không dám loại bỏ những tường thuật khi Đăng Dung phế ngôi nhà Lê rằng "bấy giờ thần dân trong nước đều theo Mạc Đăng Dung, đến đón vào kinh sư", hay "lúc này thần dân phần nhiều xu hướng về Đăng Dung, đều ra đón về kinh đô" (Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn). Điều này cho thấy Đăng Dung có sức thu phục nhân tâm cao hơn nhiều so với phản ứng của dân chúng Thăng Long khi Hồ Quý Ly phế ngôi nhà Trần. Đại bộ phận dân chúng Bắc Hà, trong đó đặc biệt là thành Thăng Long có phản ứng tích cực với cuộc đổi ngôi do ông thực hiện. Những người ở vùng khác (đặc biệt ở vùng Thanh–Nghệ, nơi phát tích nhà Lê) có thể phản đối cuộc đổi ngôi này, nhưng đại bộ phận dân chúng vùng Bắc Hà (dân kinh lộ hay dân trung châu theo cách gọi của người vùng Thanh–Nghệ) có thể đã quá chán nản với sự rối ren trong gần 20 năm cuối thời Lê sơ nên không có sự chống đối đáng kể nào với cuộc giành ngôi của Đăng Dung dù trong lòng có thể vẫn tiếc nuối một triều đại nhiều công tích do Lê Thái Tổ và Lê Thánh Tông góp công dựng nên. Tuy nhiên việc đối xử tàn nhẫn với nhà Hậu Lê, việc xin cắt đất cầu hòa, và việc nhận chức An Nam đô thống ti sứ do nhà Minh ban cho (tức là tự hạ thấp chủ quyền dân tộc, coi Đại Việt như một tỉnh của Trung Quốc), đã khiến Mạc Đăng Dung trở thành tâm điểm chỉ trích của các sử gia, tri thức Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử.Việc Mạc Đăng Dung đối xử tàn nhẫn với nhà Hậu Lê (giết cả 3 mẹ con vua Lê Chiêu Tông, Lê Cung Hoàng và Trịnh thái hậu, sát hại nhiều vị quan trung thành với nhà Hậu Lê) cũng làm tăng thêm sự oán hận của những người vẫn nhớ về nhà Hậu Lê, gián tiếp giúp cho Nguyễn Kim tập hợp lực lượng, xây dựng nhà Lê trung hưng với khẩu hiệu "phù Lê diệt Mạc". Khi bị sát hại, Trịnh Thái hậu đã khấn xin Trời cao trừng phạt kẻ nghịch tặc: "Đăng Dung là kẻ bề tôi, manh tâm cướp ngôi, lại giết mẹ con ta, ngày sau con cháu nó cũng lại bị như thế". Chỉ 65 năm sau thì lời khấn ứng nghiệm: nhà Mạc bị nhà Lê trung hưng tiêu diệt, con cháu họ Mạc bị quân nhà Lê truy sát để báo mối thù giết vua cướp ngôi, trở thành một vương triều yểu mệnh.
Quan điểm phê phán Mạc Đăng Dung ở Việt Nam đã có sự thay đổi qua những giai đoạn lịch sử khác nhau. Kể từ đầu thời Nhà Nguyễn cho đến thập kỷ đầu thế kỷ XXI, những nhà nghiên cứu lịch sử và văn hóa như Nguyễn Văn Siêu, Lê Văn Hòe, Phạm Văn Sơn, Trần Quốc Vượng, Trần Khuê, Trần Lâm Biền, Vũ Khiêu, Văn Tạo, Đinh Khắc Thuân, Phan Đăng Nhật, Trần Thị Vinh là những người đi đầu trong việc đánh giá lại vai trò lịch sử của Mạc Đăng Dung theo hướng cởi mở khách quan hơn thời Lê-Trịnh... Qua những kết quả nghiên cứu trong các lĩnh vực như chính trị, kinh tế (như các hoạt động sản xuất, thương mại), văn hóa - tư tưởng, văn học - nghệ thuật, giáo dục, tôn giáo - tín ngưỡng... đã cho thấy sự ra đời của nhà Mạc và những động thái chính trị - quân sự của Mạc Thái Tổ (Mạc Đăng Dung) là phù hợp với bối cảnh khách quan lúc bấy giờ, khi nhà Hậu Lê đã suy sụp không còn trị nước được nữa.