Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 - 1585) tên húy là Văn Đạt, sinh ra dưới thời vua Lê Thánh Tông - thời kỳ thịnh trị nhất của nhà Lê sơ. Cha Nguyễn Bỉnh Khiêm là Nguyễn Văn Định, nổi tiếng học giỏi. Mẹ là bà Nhữ Thị Thục, con gái út của quan tiến sĩ thương thư bộ Hộ Nhữ Văn Lan triều vua Lê Thánh Tông - người học rộng, giỏi tướng số.
Những lời tiên tri nổi tiếng của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm
1. Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm từng dùng tài lý số của mình để “cứu vãn” cho triều đình nhà Mạc. Được biết, khi triều Mạc lâm nguy, vua Mạc đương triều có sai người đến hỏi Trạng Trình. Ông đã đưa ra lời sấm cho nhà Mạc: “Cao Bằng tàng tại, tam đại tồn cô”. Điều này có nghĩa là, nếu chạy lên Cao Bằng thì tồn tại được 3 đời. Quả nhiên, nhà Mạc lên Cao Bằng và tồn tại được thêm 3 đời nữa.
2. “Hoàng sơn nhất đái khả dĩ dung thân” là lời sấm Nguyễn Bỉnh Khiêm đưa ra cho nhà Nguyễn. Nhờ đó, nhà Nguyễn mới tiến vào Nam mở rộng bờ cõi, đất nước ta mới có hình thái như bây giờ.
Năm 1568, chúa Nguyễn Hoàng thấy anh là Nguyễn Uông bị Trịnh Kiểm giết. Thấy số phận mình nguy cấp nên đã sai người đến diện kiến Trạng Trình ở am Bạch Vân xin lời sấm. Cụ Trạng cầm tay sứ giả dắt ra hòn non bộ, chỉ vào đàn kiến đang bò và nói: “Hoàng sơn nhất đái khả dĩ dung thân”, có nghĩa là một dải Hoàng sơn có thể dung thân được.
Hiểu được ý đó, Nguyễn Hoàng nhờ chị xin Trịnh Kiểm cho vào trấn thủ đất Thuận Hóa từ đèo Hải Vân trở vào. Điều này đã giúp nhà Nguyễn xây dựng nên đế chế ở phương Nam. Sau này, nhà Nguyễn đã đổi câu sấm của Trạng Trình thành: “Hoành sơn nhất đái vạn đại dung thân” với dụng ý sẽ giữ được cơ nghiệp mãi mãi.
3, Nguyễn Bỉnh Khiêm được xem là người đầu tiên nhắc đến biển Đông Việt Nam. Trong bài thơ Cự Ngao Đới Sơn thuộc tập thơ Bạch Vân am thi tập, ông viết “Biển Đông vạn dặm dang tay giữ/Đất Việt muôn năm vững trị bình/ Chí những phù nguy xin gắng sức/ Cõi bờ xưa cũ tổ tiên mình”. Câu này như lời khuyên của Trạng Trình với thế hệ sau rằng phải nắm giữ được biển Đông thì đất nước mới thái bình, thịnh trị muôn đời.
Trong bài viết Tầm nhìn chiến lược về biển đảo của Trạng Trình từ 500 năm trước, tác giả Nguyễn Đình Minh nhận định: “Trước đây khi đề cập đến lãnh thổ, chúng ta thường nói nhiều về sông núi, đất đai, chúng ta có nói về biển nhưng không nhiều, biển không là trọng điểm nhấn mạnh. Nhưng từ 500 năm trước, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã dự báo tầm quan trọng của biển đảo dẫn đến sự tồn vong thịnh trị của cả quốc gia. Điều ấy cho thấy tầm chiến lược về bảo vệ của ông rất rộng lớn và toàn diện”.
4. Nam Đàn sinh Thánh
Vùng đất Nghệ Tĩnh lưu truyền những câu sấm truyền của Trạng Trình như: “Đụn Sơn phân giải/ Bò Đái thất thanh/ Thủy đáo Lam thành/ Nam Đàn sinh thánh”. Tạm dịch
“Khi núi Đụn chẻ đôi, khe Bò Đái mất tiếng, sông Lam khoét vào chân núi Lam Thành, đất Nam Đàn sẽ sinh ra bậc thánh nhân”.
Nhà sử học Ngô Đăng Lợi cho biết, sau khi thực dân Pháp đàn áp tàn khốc phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, lời bài sấm được bàn tán xôn xao. Người dân mong chờ một vị thánh sống xuất thế. Lúc đo, khe Bồ Đái nước ngừng chảy do đó người dân lại càng tin.
Trong một cuộc gặp gỡ giữa cụ Phan Bội Châu và học giả Đào Duy Anh, nhà nho Trần Lê Hữu hỏi: “Thưa cụ Phan, “Bò Đái thất thanh, Nam Đàn sinh thánh” chẳng phải là cụ hay sao?. Phan Bội Châu đáp: “Kể cái nghề cử tử xưa kia tôi cũng có tiếng thật. Dân ta thường có thói trọng người văn học và gán cho người ta tiếng nọ tiếng kia. Nhưng nếu Nam Đàn có thánh thực thì chính là ông Nguyễn Ái Quốc chứ chẳng phải ai khác”.
Ngoài ra còn rất nhiều lời tiên tri của cụ đã ứng nghiệm như tiên tri về phần mộ sau khi cụ mất, cách mạng tháng 8 thành công,...
Nguyễn Bỉnh Khiêm là một nhà quân sự tài ba, một nhà văn hóa lớn có nhiều đóng góp cho lịch sử dân tộc Việt Nam. Ngày nay, có rất nhiều con đường và trường học được đặt theo tên ông nhằm tưởng nhớ đến bậc thầy vĩ đại. Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm được đặt tại thôn Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng. Đây là nơi để tri ân những đóng góp của một danh nhân Trạng Trình và cũng là nơi diễn ra các hoạt động, sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân cả nước.