Nước ta có hơn 3000 hòn đảo lớn nhỏ khác nhau, trong đó hơn một nửa là ở trong Vịnh Bắc Bộ. Hai quần đảo nằm trên khu vực biển Đông là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Cho đến thế kỷ XVII, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là các đảo vô chủ. Vào nửa đầu thế kỷ XVII, Chúa Nguyễn tổ chức “đội Hoàng Sa” (Cát Vàng) ra quần đảo Hoàng Sa thu lượm hàng hóa của các tàu mắc cạn, đánh bắt hải sản quí hiếm mang về dâng nộp và còn đo vẽ, trồng cây và dựng mốc trên hai quần đảo. Sau đó, Chúa Nguyễn tổ chức thêm “đội Bắc Hải”, cấp giấy phép ra quần đảo Trường Sa, cũng với nhiệm vụ như đội Hoàng Sa. Triều đình phong kiến Việt Nam đã cử quân ra đo đạc, khảo sát hai quần đảo. Các hoạt động của Nhà Nguyễn tại Hoàng Sa và Trường Sa được lưu lại không chỉ trong tài liệu lịch sử của nhiều tác giả trong nước như “Toản tập Thiên nam tứ chí lộ đồ thư” của Đỗ Bá tự Công Đạo (1686) hay “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn (1776) mà còn được người nước ngoài ghi chép lại khi họ đến làm ăn, sinh sống tại Việt Nam.