Tầng ôzôn là vùng có nồng độ ôzôn cao trong tầng bình lưu, cách bề mặt Trái đất từ 15 đến 35 km. Tầng ôzôn hoạt động như một lá chắn vô hình và bảo vệ chúng ta khỏi bức xạ tia cực tím (UV) có hại từ mặt trời. Đặc biệt, tầng ôzôn bảo vệ chúng ta khỏi bức xạ UV, được gọi là UV-B, gây cháy nắng. Tiếp xúc lâu dài với mức độ cao của UV-B đe dọa sức khỏe con người và gây hại cho hầu hết các loài động vật, thực vật và vi khuẩn, vì vậy tầng ôzôn bảo vệ tất cả sự sống trên Trái đất.
Vào giữa những năm 1970, các nhà khoa học nhận ra rằng tầng ôzôn bị đe dọa do sự tích tụ của các khí có chứa halogen (clo và brôm) trong khí quyển. Sau đó, vào giữa những năm 1980, các nhà khoa học đã phát hiện ra một “lỗ hổng” trong tầng ôzôn phía trên Nam Cực - khu vực bầu khí quyển của Trái đất bị suy giảm nghiêm trọng.
Vậy, nguyên nhân nào dẫn đến sự mỏng đi của tầng ôzôn trên toàn cầu và “lỗ thủng ôzôn” ở Nam Cực?
Hóa chất nhân tạo có chứa halogen được xác định là nguyên nhân chính gây mất tầng ôzôn. Các hóa chất này được gọi chung là các chất làm suy giảm tầng ôzôn (ODS). ODS đã được sử dụng trong hàng nghìn sản phẩm trong cuộc sống hàng ngày của mọi người trên khắp thế giới.